Ngải cứu: 10 tác dụng, liều dùng, lưu ý khi sử dụng
Ngải cứu là một loại thảo dược tự nhiên tốt cho sức khỏe, tuy nhiên không phải ai cũng nên sử dụng đặc biệt là phụ nữ mang thai. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về tác dụng của ngải cứu và những lưu ý khi sử dụng nhé!
1 Mô tả về cây ngải cứu
Ngải cứu là một loại thảo dược tự nhiên thuộc họ Cúc (Asteraceae), có tên khoa học là Artemisia vulgaris. Chúng được trồng hoặc mọc hoang chủ yếu ở các nước trong khu vực Châu Á, Bắc Mỹ, Châu Âu, Bắc Phi, Alaska.
Cây ngải cứu cao khoảng 0,4 đến 1m, nhiều cành non có lông. Lá mọc so le với phiến lá xẻ lông chim. Hai mặt lá cũng có lông, mặt dưới màu trắng và mặt trên màu xanh thẫm. Cụm hoa mọc thành từng chùm kép ở đầu cành với hình đầu nhỏ và màu lục nhạt. Quả bế không có túm lông.
Người ta thu hái lá tươi của cây ngải cứu để dùng làm thuốc với các hoạt chất chính có hoạt tính sinh học như acid amin, cholin, flavonoid, adenin.
Ngải cứu là một loại thảo dược tự nhiên thuộc họ Cúc (Asteraceae)
2 Các tác dụng của ngải cứu theo Y học hiện đại
Chữa bệnh đau xương khớp
Một nghiên cứu kéo dài 4 tuần với sự tham gia của 90 người trưởng thành mắc viêm khớp gối, bệnh nhân được bôi thuốc mỡ 3% (3 lần/ngày) lên vùng bị sưng tấy đau. Kết quả cho thấy, thuốc mỡ này đã giúp giảm mức độ đau và cải thiện chức năng vận động của bệnh nhân.
Ngải cứu dùng rộng rãi trong chữa bệnh xương khớp nhờ tính ấm. Giúp lưu thông khí huyết, giảm đau và viêm, đặc biệt hiệu quả cho người bị gai cột sống, thấp khớp.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không nên bôi trực tiếp ngải cứu lên da vì nồng độ các hợp chất quá cao có thể gây cháy da. Hiện tại, vẫn còn thiếu bằng chứng để chứng minh hiệu quả giảm đau của trà và chiết xuất ngải cứu.
Ngải cứu được dùng để chữa bệnh đau xương khớp
Điều hòa kinh nguyệt
Ngải cứu thường được sử dụng với tác dụng giảm đau bụng kinh, đau lưng và hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt đối với những người có chu kỳ kinh nguyệt không đều.
Ngải cứu giúp điều hòa kinh nguyệt
An thai
Ngải cứu là một bài thuốc hỗ trợ an thai hiệu quả cho những mẹ bầu bị dọa sảy thai. Bài thuốc này cũng hữu ích với phụ nữ mắc chứng tử cung lạnh, khó mang thai.
Tuy nhiên, trước khi sử dụng ngải cứu để giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, đặc biệt là với phụ nữ đang mang thai, cần tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế hoặc bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Ngải cứu có thể hỗ trợ an thai
Cầm máu
Ngải cứu có tác dụng cầm máu, chống viêm, kháng khuẩn và giảm đau. Vì vậy, ngải cứu được đánh giá là một bài thuốc hữu hiệu trong các trường hợp cần sơ cứu nhanh và khẩn cấp, đặc biệt là khi gặp chấn thương, gãy chân tay hoặc bị rắn cắn.
Ngải cứu có tác dụng cầm máu, chống viêm, kháng khuẩn và giảm đau
Cải thiện chứng suy nhược cơ thể
Ngải cứu có tác dụng kích thích tiết nước bọt, chất nhầy dạ dày và dịch tiết đường ruột, đồng thời làm tăng tiết mật từ túi mật giúp cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa.
Một số nghiên cứu khác cho thấy các loại thảo mộc có vị đắng như ngải cứu kích thích tiết nước bọt, tăng tiết dịch dạ dày và cảm giác thèm ăn. Ăn uống ngon miệng giúp cơ thể được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để chống tình trạng suy nhược cơ thể.
Ngải cứu có khả năng cải thiện chứng suy nhược cơ thể
Giảm tình trạng mẩn ngứa nổi mề đay
Tinh dầu ngải cứu có chứa các hoạt chất chống viêm, kháng khuẩn rất tốt nên chúng có thể chữa mẩn ngứa, mề đay, mụn nhọt,…
Cách dùng: ngải cứu tươi đắp trực tiếp lên vết mẩn hoặc dùng nước tắm giúp giảm viêm, chữa rôm sảy, mề đay hiệu quả.
Ngải cứu chống viêm, kháng khuẩn tốt nên giúp làm giảm tình trạng mẩn ngứa mề đay
Cải thiện tình trạng lưu thông máu
Ngải cứu được cho là có khả năng kích thích lưu thông máu và giúp loại bỏ các độc tố trong cơ thể. Những người thường xuyên bị chóng mặt, hoa mắt do máu lưu thông kém được khuyên dùng ngải cứu.
Lá ngải cứu có thể được sử dụng như một nguyên liệu thực phẩm hàng ngày để nấu canh hoặc rán trứng. Ăn lá ngải cứu hàng tuần có thể cải thiện khả năng tuần hoàn máu não.
Ngải cứu được cho là có khả năng kích thích lưu thông máu
Chữa một số bệnh về hô hấp
Ngải cứu thường được kết hợp với một số loại thảo dược khác như lá bưởi, khuynh diệp,... nhằm làm giảm các triệu chứng cảm mạo, ho khan, đau họng,... Đun ngải cứu cùng các loại thảo dược khác để lấy nước uống hoặc đem xông hơi đều mang lại hiệu quả tuyệt vời trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh về hô hấp.
Xông hơi ngải cứu cùng thảo dược để chữa chứng cảm mạo, ho khan, đau họng,...
Chống nhiễm ký sinh trùng
Ngải cứu đã được sử dụng trong điều trị nhiễm giun đường tiêu hóa từ thời Ai Cập cổ đại, trong đó hoạt chất thujone sẽ đóng vai trò chống lại ký sinh trùng. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều này.
Mặt khác, các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy ngải cứu có thể chống lại sán dây và một số loại ký sinh trùng khác, nhưng các kết quả này cũng chưa được chứng minh trên người. Vì vậy, cần thực hiện nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn để đánh giá tác dụng của ngải cứu trong việc chống lại các ký sinh trùng trên con người.
Ngải cứu hỗ trợ điều trị giun đường tiêu hóa
Chống oxy hóa
Ngoài thujone, ngải cứu còn chứa một hoạt chất có hoạt tính sinh học khác là chamazulene, chúng hoạt động như một chất chống oxy hóa. Điều đáng chú ý là nồng độ chamazulene trong cây cao nhất vào giai đoạn trước khi ra hoa.
Chamazulene có tác dụng chống lại quá trình stress oxy hóa trong cơ thể, ngăn chặn các gốc tự do gây tổn hại tế bào - một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của tế bào ung thư, các bệnh tim mạch, bệnh Alzheimer và một số bệnh lý khác.
Ngải cứu chứa các chất chống oxy hóa ngăn ngừa các gốc tự do gây hại tế bào
3 Liều lượng sử dụng ngải cứu
Khuyến nghị chính xác về liều dùng ngải cứu vẫn chưa được xác định vì còn thiếu nhiều bằng chứng. Tuy nhiên, nhiều tổ chức chính phủ đã đưa ra các hạn chế đối với các sản phẩm chế biến từ ngải cứu vì tác dụng gây độc của một số hoạt chất trong cây ngải cứu.
Tại Cộng đồng liên minh Châu Âu (EU), các loại thực phẩm chế biến từ ngải cứu được giới hạn nồng độ thujone không quá 0,23 mg/pound (0,5 mg/kg) và đồ uống có cồn như rượu ngải cứu không được vượt ngưỡng 16 mg/pound (35 mg/kg).
Tại Hoa Kỳ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) giới hạn nồng độ thujone trong các sản phẩm chứa ngải cứu dưới mức 10 phần triệu (ppm) hoặc thấp hơn. Hàm lượng thujone ở mức này được coi là không đáng kể và an toàn với hầu hết mọi người.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng các sản phẩm như trà ngải cứu và tinh chất chiết xuất chưa được FDA cấp phép. Nếu không chắc chắn về liều lượng cần sử dụng, bạn nên tham khảo ý kiến từ các bác sĩ.
Sản phẩm chế biến từ ngải cứu được giới hạn nồng độ thujone không quá 0,5 mg/kg
4 Một số bài thuốc có sử dụng ngải cứu
Ngải cứu là một loại thảo dược tự nhiên tốt cho sức khỏe và đã được dùng trong nhiều bài thuốc dân gian để chữa bệnh. Theo y học cổ truyền, ngải cứu có tính ấm, vị đắng, quy kinh can, tỳ và thận. Dưới đây là một số bài thuốc có ngải cứu thường được sử dụng:
Bài thuốc điều kinh
Để ngải cứu phát huy tác dụng điều hòa kinh nguyệt, trước kỳ kinh một tuần bạn cần sử dụng bài thuốc sau:
- Bài 1: Lấy 6-12g (tối đa 20g) ngải cứu để sắc với nước hoặc hãm với nước sôi như trà. Chia làm 3 lần uống trong ngày.
- Bài 2: Mỗi ngày uống 5-10g bột ngải cứu.
- Bài 3: Mỗi ngày uống 1-4g cao đặc ngải cứu.
Trong trường hợp kinh nguyệt không đều, từ lúc bắt đầu kỳ kinh đến hết ngày có kinh bạn nên sử dụng bài thuốc sau:
- Lấy 10g ngải cứu khô.
- Thêm 200ml nước, sắc còn 100ml.
- Thêm chút đường để uống, chia 2 lần/ngày.
Với bài thuốc kinh nguyệt không đều, bạn có thể dùng liều gấp đôi. Sau 1-2 ngày sẽ thấy hiệu quả, người đỡ mệt, máu kinh đỏ và ít hơn.
Ngải cứu thường được sử dụng trong bài thuốc điều kinh
Bài thuốc an thai
Phụ nữ đang mang thai, nếu thấy có hiện tượng đau bụng ra máu cần sử dụng bài thuốc sau:
- Lấy 16g lá ngải cứu, 16g lá tía tô.
- Thêm 600ml nước, sắc còn 100ml.
- Chia dịch sắc làm 3-4 lần uống trong ngày.
Ngải cứu có thể được dùng làm bài thuốc an thai
Bài thuốc trị mụn, mẩn ngứa
Để có làn da trắng sáng và hồng hào, bạn có thể dùng bài thuốc từ lá ngải cứu tươi:
- Lấy lá ngải cứu tươi giã nát và đắp lên mặt trong khoảng 20 phút.
- Sau đó rửa sạch lại mặt.
- Thực hiện thường xuyên để đạt hiệu quả trị mụn và làm đẹp da.
Đối với trẻ em thường hay bị rôm sảy, bạn có thể dùng lá ngải cứu xay nát, sau đó lọc lấy nước để cho trẻ tắm.
Lá ngải cứu tươi có thể dùng để trị mụn
Bài thuốc chữa đau thần kinh tọa, đau nhức khớp xương, đau đầu hoa mắt
Để chữa đau thần kinh tọa, đau nhức khớp xương, đau đầu hoa mắt, bạn có thể thực hiện bài thuốc sau:
- Lấy 300g ngải cứu tươi rửa sạch và giã nát.
- Thêm 2 muỗng mật ong.
- Vắt lấy nước uống vào buổi trưa và chiều.
- Uống liên tục trong 1-2 tuần để đạt hiệu quả.
Ngải cứu thường được dùng để chữa đau nhức xương khớp
Bài thuốc giúp lưu thông máu lên não
Bài thuốc có chứa ngải cứu sẽ giúp cải thiện quá trình lưu thông và vận chuyển máu lên não:
- Lấy một nắm lá ngải cứu tươi, rồi thái nhỏ.
- Đánh đều lá ngải cứu thái nhỏ với 1 quả trứng gà.
- Nêm gia vị vừa ăn rồi đổ vào chảo rán chín để ăn.
Bài thuốc với ngải cứu giúp cải thiện quá trình lưu thông và vận chuyển máu lên não
Bài thuốc trị suy nhược cơ thể, kém ăn
Ngải cứu có tác dụng kích thích ăn ngon miệng, từ đó cung cấp đủ dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể để chống suy nhược. Bài thuốc trị suy nhược được thực hiện như sau:
- Lấy 250g ngải cứu tươi, 2 quả lê, 20g câu kỷ tử, 10 đinh quy, 1 con gà ri (gà ác) 150g.
- Thêm 500ml nước, nêm nếm gia vị vừa ăn, hầm còn 250ml.
- Chia nồi gà hầm ngải cứu thành 5 phần, ăn trong ngày. Sử dụng liên tục trong 1 - 2 tuần
Ngải cứu kích thích ăn ngon miệng, bồi bổ sức khỏe, chống suy nhược
Bài thuốc làm sáng và dưỡng ẩm da
Bạn có thể thực hiện bài thuốc chứa ngải cứu làm sáng và dưỡng ẩm da với các bước như sau:
- Lấy lá ngải cứu tươi chần sơ qua với nước sôi.
- Sau đó, vớt ra và thái nhỏ rồi thêm 500ml nước, đun khoảng 20 phút.
- Lọc bỏ bã, chờ nước nguội thì cho vào bình thủy tinh, bảo quản trong tủ lạnh để dùng dần.
- Mỗi ngày lấy một lượng vừa đủ thoa đều lên mặt vào buổi sáng, trưa và trước khi đi ngủ (dùng thường xuyên để đạt hiệu quả dưỡng ẩm làm da sáng mịn).
Bài thuốc với ngải cứu giúp làm sáng và dưỡng ẩm da
Bài thuốc chữa rôm sảy, ghẻ lở và mẩn ngứa ở trẻ
Trẻ em bị rôm sảy, ghẻ lở và mẩn ngứa có thể sử dụng bài thuốc chứa ngải cứu với các bước thực hiện như sau:
- Lấy 1 nắm lá ngải cứu tươi, giã nát và vắt lấy nước.
- Hòa nước cốt ngải cứu và nước để tắm cho trẻ.
Trẻ bị rôm sảy, ghẻ lở có thể đun nước ngải cứu để tắm
5 Một số lưu ý khi sử dụng ngải cứu
Mặc dù ngải cứu rất tốt cho sức khỏe nhưng nếu sử dụng không đúng cách có thể dẫn đến những tác dụng không mong muốn. Vì vậy trước khi sử dụng ngải cứu, bạn cần nắm rõ các lưu ý sau:
- Đối tượng không nên sử dụng: Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, phụ nữ từng sảy thai hay sinh non, người bị động kinh, dị ứng, người mắc bệnh tim, bệnh thận.
- Tương tác thuốc: Không sử dụng ngải cứu khi đang điều trị bệnh bằng thuốc chống trầm cảm, tiểu đường, chống đông máu, ung thư, kháng khuẩn,…
- Ngải cứu có thể gây bỏng nếu bôi trực tiếp lên da, chỉ nên sử dụng ở dạng thuốc mỡ hoặc dạng lỏng.
- Mỗi tuần ăn ngải cứu tối đa 3 lần, mỗi lần không ăn quá 5 ngọn.
- Không sử dụng bất kỳ sản phẩm từ ngải cứu nào quá 4 tuần.
- Quá liều khuyến nghị dẫn tới ngộ độc, rối loạn tiêu hóa, suy thận, buồn nôn, nôn và co giật.
- Cẩn thận khi sử dụng ngải cứu với người dễ mẫn cảm với thảo dược.
Lưu ý: Mẹ bầu có được ăn ngải cứu không?
Ngải cứu là một nguồn giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là folate - đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ thần kinh và ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ngải cứu cũng chứa một chất gọi là thujone - kích thích co bóp tử cung, gây sảy thai hoặc sinh non. Thujone cũng có thể là nguyên nhân gây suy thận ở mẹ bầu.
Vì vậy, trong ba tháng đầu của thai kỳ, mẹ bầu nên tránh ăn ngải cứu. Từ tháng thứ tư trở đi, mẹ nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa về việc sử dụng ngải cứu. Nếu được chỉ định có thể sử dụng, mẹ bầu cần nhớ rằng không nên dùng quá nhiều, tối đa 2 lần/tháng, mỗi lần chỉ sử dụng từ 3 đến 5 ngọn rau.
Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có nghiên cứu nào khẳng định việc sử dụng ngải cứu an toàn cho phụ nữ mang thai. Một thí nghiệm trên chuột đã chỉ ra rằng việc sử dụng ngải cứu trong thời gian mang thai làm tăng tỷ lệ sảy thai của chuột. Do đó, mẹ bầu khi sử dụng ngải cứu cần thận trọng.
Mẹ bầu nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng ngải cứu
Xem thêm:
- Bán biên liên có tác dụng gì? Công dụng và liều dùng bán biên liên
- Đỗ trọng có tác dụng gì? Công dụng và liều dùng đỗ trọng
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về những tác dụng của ngải cứu và lưu ý khi dùng. Nếu có nhu cầu sử dụng ngải cứu trong điều trị bệnh, bạn cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.
nguồn: https://giadinhmoi.vn/ngai-cuu-10-tac-dung-lieu-dung-luu-y-khi-su-dung-d94448.html